Trước và sau tiêm chủng cho con, cha mẹ phải lưu ý những gì?
Bởi mỗi bé trước và sau khi tiêm vắc xin có thể gặp phải một số vấn đề như sốt, sưng đỏ vị trí tiêm, quấy khóc… Nếu không được theo dõi, cảnh báo trước và phát hiện những bất thường thì có thể gây ra những hậu quả vô cùng nghiêm trọng cho con.
Vì sao trẻ cần được tiêm chủng?
Tiêm phòng vắc-xin chính là việc sử dụng vắc-xin để kích thích cơ thể sinh ra miễn dịch chống lại những tác nhân gây bệnh. Khi cơ thể có vắc-xin, hệ thống miễn dịch sẽ ghi nhớ và nhận diện vắc-xin. Một khi những tác nhân gây bệnh xâm nhập vào cơ thể, hệ miễn dịch sẽ nhân ra, tạo ra các kháng thể chống lại tác nhân gây bệnh đó khiến cơ thể không bị mắc bệnh.
Việc tiêm vắc-xin cho trẻ là biện pháp giúp bảo vệ trẻ trước các tác nhân gây bệnh truyền nhiễm, vì:
- Trẻ nhỏ có hệ thống miễn dịch chưa hoàn chỉnh, sức đề kháng yếu nên các tác nhân gây bệnh dễ xâm nhập vào cơ thể.
- Khí hậu nhiệt đới gió mùa, nóng ẩm quanh năm là môi trường lý tưởng để vi khuẩn phát triển và bùng phát thành dịch.
- Bệnh truyền nhiễm chủ yếu lây qua đường hô hấp, đường máu, đường tình dục hoặc lây từ mẹ sang con,…
Vì vậy, tiêm phòng vắc-xin đầy đủ và đúng lịch sẽ giúp bảo vệ trẻ em khỏi nhiều bệnh lý nguy hiểm cũng như hạn chế các biến chứng và giảm nguy cơ tử vong ở trẻ.
Chuẩn bị trước khi cho trẻ đi tiêm chủng
Theo dõi tình trạng sức khỏe của bé: kiểm tra xem trong 3 ngày gần đây bé có sốt hay không? Cân nặng của bé có đạt không? Bé có đang bệnh hay không? nếu bé đang bệnh thì bạn cần nói rõ các triệu chứng, để bác sĩ thăm khám và quyết định xem bé có thể tiêm được không?
Mang theo sổ hoặc phiếu tiêm chủng
Ghi nhớ về các loại thuốc bé đang, đã sử dụng và các loại vắc-xin, thuốc, thức ăn bé bị dị ứng trên 2 tuần. Vì có một số loại thuốc khi sử dụng sẽ làm giảm hiệu quả của vắc-xin. Do vậy, phụ huynh cần ghi chú và báo cho bác sĩ tiêm chủng biết.
Vệ sinh thân thể sạch sẽ cho trẻ
Phụ huynh cần vệ sinh cơ thể cho trẻ sạch sẽ để tránh nhiễm trùng sau khi tiêm. Cho trẻ mặc trang phục đơn giản để dễ thao tác hơn trong quá trình tiêm phòng.
Theo dõi sau tiêm chủng tại nơi tiêm
Sau tiêm chủng cho trẻ ở lại theo dõi 30 phút tại điểm tiêm chủng để phát hiện sớm các phản ứng sau tiêm có thể xảy ra.
Thân nhiệt, nhịp thở
Sự tỉnh táo (chơi đùa), ăn, ngủ.
Nhân viên y tế kiểm tra và theo dõi các dấu hiệu phản ứng sau tiêm chủng: Quan sát da toàn thân và vùng tiêm (sưng, mẩm đỏ, phát ban).
Nhân viên y tế kiểm tra nhiệt độ cơ thể và vết tiêm trước khi cho trẻ trước ra về.
Sau khi tiêm phòng cho trẻ cần làm gì tại nhà?
Cần tiếp tục theo dõi sau tiêm chủng cho trẻ tại nhà ít nhất trong vòng 24h sau tiêm chủng về các dấu hiệu: Tinh thần, ăn, ngủ, thở, nốt phát ban trên da, triệu chứng tại chỗ tiêm… Gia đình cần chú ý:
- Cho trẻ mặc quần áo thoáng mát.
- Duy trì chế độ dinh dưỡng hàng ngày, cho trẻ bú mẹ và uống nước nhiều hơn.
- Cho trẻ ăn/bú đủ bữa, đủ số lượng, đúng tư thế; không cho ăn nằm.
- Kiểm tra thường xuyên trẻ, đặc biệt là ban đêm.
- Quan sát trẻ thường xuyên và chú ý không chạm, đè vào chỗ tiêm; không đắp bất cứ thứ gì lên vị trí tiêm. Nếu trẻ bị sốt thì bố mẹ cặp nhiệt độ, chườm ấm và theo dõi; cho trẻ uống thuốc hạ sốt theo chỉ dẫn của cán bộ y tế.
- Nếu tại vết tiêm sưng, đỏ, có thể chườm lạnh để giúp giảm đau và giảm sưng cho trẻ.
- Tránh chạm vào vết tiêm khi bế trẻ, không xoa dầu, chườm nóng hay nặn chanh, đắp khoai tây hoặc bôi đắp bất cứ thứ gì lên vết tiêm vì có thể gây nhiễm trùng chỗ tiêm.
Tất cả các trường hợp tiêm vắc-xin, cần đưa trẻ KHÁM LẠI NGAY khi:
- Trẻ co giật, khóc thét, quấy khóc kéo dài, li bì, bú kém, bỏ bú.
- Khó thở, tím tái, nổi mề đay toàn thân, chân tay lạnh, nổi vân tím.
- Sốt cao liên tục trên 39 độ C, dùng hạ sốt không đỡ.
- Sốt trên 3 ngày.
- Vị trí tiêm sưng, cứng, đau và có quầng đỏ kích thước > 2cm.
Cách xử trí các trường hợp có phản ứng sưng nóng đỏ đau tại vị trí tiêm:
- Không đắp bất kỳ chất gì vào vị trí tiêm.
- Nếu quầng đỏ tiếp tục to lên > 2cm, cứng, nóng cần đưa trẻ đi KHÁM LẠI NGAY.
Cách xử trí các trường hợp có phản ứng sốt:
- Sốt < 38,5 độ C: Chườm trán, nách , bẹn trẻ bằng nước ấm hoặc dùng miếng hạ sốt dán trán. Cho trẻ uống nhiều nước hoặc bú mẹ thường xuyên hơn.Ăn mặc thoáng mát, không ủ ấm trẻ. Theo dõi nhiệt độ 3 giờ /1 lần.
- Sốt > 38,5 độ C: Dùng thuốc hạ sốt theo đơn của bác sĩ.
Thanh Hoa
Nguồn tham khảo: Tổng hợp
Lưu ý:
Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể.