Trẻ mọc răng sớm có tốt không và xử lý thế nào?
Bài viết sau sẽ cung cấp các kiến thức cần thiết về việc mọc răng của trẻ nói chung và mọc răng sớm nói riêng để các mẹ nắm rõ hơn.
Những vấn đề xoay quanh “trẻ mọc răng sớm”
Thế nào là “trẻ mọc răng sớm”?
Bình thường, một đứa trẻ bắt đầu quá trình mọc răng từ 6 – 8 tháng tuổi. Theo đó, đầu tiên trẻ sẽ mọc 2 chiếc răng cửa hàm dưới và tiếp theo là trẻ mọc răng hàm và những chiếc răng khác theo trình tự nhất định, cứ như vậy đến khi trẻ được khoảng 30 tháng tuổi thì bộ răng sữa của trẻ có đủ 20 chiếc.
Ngược lại, có những trường hợp, trẻ nhỏ hơn 6 tháng tuổi đã bắt đầu mọc răng, đây được gọi là dấu hiệu mọc răng sớm ở trẻ.
Lúc này, cơ thể trẻ đang dồn năng lượng chủ yếu cho việc mọc răng do đó sẽ xuất hiện một số bất thường. Sau đây là những dấu hiệu trẻ mọc răng phổ biến rất dễ nhận biết:
- Trẻ ăn uống kém, sụt cân.
- Nướu có thể bị sưng, tấy đỏ hoặc loét khi kiểm tra.
- Có biểu hiện sốt nhẹ.
- Rối loạn tiêu hóa nhẹ như đi tiêu phân lỏng.
- Trẻ nghiến nướu hoặc gặm ngón tay.
- Bị chảy nước dãi nhiều.
- Cơ thể mệt mỏi, quấy khóc, khó chịu, dễ bị kích động.
Các triệu chứng kể trên thường xuất hiện trong khoảng từ 3 cho tới 5 ngày trước khi răng bắt đầu nhú lên, khiến trẻ vô cùng khó chịu. Tuy nhiên, mẹ đừng quá lo lắng vì chúng sẽ tự hết trong khoảng 3 – 7 ngày.
Nguyên nhân gây ra hiện tượng trẻ mọc răng sớm
Trẻ mọc răng sớm không phải là trường hợp hiếm gặp, hiện tượng này xuất phát từ 2 nguyên nhân chủ yếu, đó là:
- Do yếu tố di truyền: Trẻ có khả năng mọc răng sớm nếu trong gia đình cũng từng có người từng mọc răng sớm.
- Do yếu tố dinh dưỡng: Nếu mẹ cung cấp cho trẻ đầy đủ chất dinh dưỡng, cụ thể là canxi và vitamin D thì khả năng trẻ mọc răng sớm sẽ cao hơn so với những bé khác. Trường hợp mẹ có nền tảng dinh dưỡng tốt, sữa đủ chất thì con cũng nhanh mọc răng hơn bình thường.
Trẻ mọc răng sớm có tốt không?
Nhiều quan niệm cho rằng việc trẻ mọc răng sớm là không tốt, vì nó có thể là dấu hiệu cho thấy sức khỏe của trẻ đang gặp vấn đề. Tuy nhiên, thực tế cho thấy việc trẻ mọc răng sớm hay muộn đều không ảnh hưởng đến sức khỏe và sự phát triển của trẻ.
Nếu trẻ mọc răng sớm thì chứng tỏ trẻ đang phát triển với tốc độ nhanh, thậm chí còn giúp trẻ có thể tập ăn dặm tốt hơn để bổ sung các dưỡng chất cần thiết ngoài sữa mẹ và giúp trẻ phát triển nhanh về chiều cao cũng như cân nặng.
Trong một số trường hợp trẻ mới ra đời đã mọc răng, tuy nhiên rất hiếm gặp, chiếm tỷ lệ chỉ 1/2000. Cũng có trường hợp thứ tự mọc răng của trẻ bị đảo lộn, có bé thì mọc răng nanh trước răng cửa khiến các bậc phụ huynh hết sức lo lắng. Tuy nhiên, trong trường hợp này thì bố mẹ nên yên tâm vì chiếc răng này sẽ lập tức rụng ngay khi những chiếc răng khác mọc lên đúng vị trí và đúng thời điểm.
Tóm lại, dù trẻ có mọc răng sớm thì theo các chuyên gia, điều quan trọng nhất vẫn là mầm răng khi còn ở trong xương hàm có đủ chất dinh dưỡng để răng có thể nhô lên hay không và miễn là không bị dị dạng là được.
Mách mẹ cách chăm sóc trẻ mọc răng sớm
Trẻ mọc răng sớm không hề gây hại nhưng lại khiến bé khó chịu vô cùng. Lúc này, Các mẹ có thể giảm sự khó chịu cho trẻ bằng cách cho vật mềm như ti giả, vòng mọc răng để trẻ cắn. Ngoài ra, mẹ còn có thể:
- Lau nước ấm và bổ sung nước cho trẻ nếu trẻ có dấu hiệu sốt nhẹ.
- Trẻ sốt mọc răng uống thuốc gì? Trường hợp trẻ sốt cao từ 38,5 độ trở lên có thể dùng thuốc hạ sốt, giảm đau paracetamol liều lượng 10 – 15 mg/kg cân nặng, cứ 4 – 6 giờ cho uống một lần. Tuy nhiên, trước khi cho trẻ dùng thuốc cần tham khảo ý kiến của bác sỹ chuyên khoa.
- Giữ vệ sinh răng miệng cho trẻ bằng cách lau sạch nước dãi chảy quanh miệng và nướu bằng khăn mềm, sạch. Đặc biệt là sau khi cho trẻ bú và ăn. Rất đơn giản, mẹ chỉ cần dùng miếng gạc hoặc vải mềm sạch quấn quanh ngón tay trỏ và lau nhẹ nhàng.
- Sau khi bú và sau khi ăn, mẹ nên cho trẻ uống nước lọc.
- Trong thời gian mọc răng, mẹ nên cho trẻ ăn thức ăn lỏng, mềm. Tránh thức ăn quá nóng hoặc quá lạnh và bổ sung hàm lượng canxi trong bữa ăn hàng ngày.
Tóm lại, trẻ mọc răng sớm không hề gây hại gì cho bé. Tuy nhiên, bố mẹ nên đưa trẻ đi khám để được chụp X-Quang răng để kiểm tra các vấn đề răng miệng bất thường khác.
Hường
Lưu ý:
Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể.