Những thói quen chăm sóc ngỡ như bình thường mà lại làm hại con
Nuôi dạy trẻ là một chặng đường đầy khó khăn và thử thách với các bậc cha mẹ. Theo các chuyên gia, có những thói quen chăm sóc chúng ta cứ ngỡ như là tốt mà lại khiến con cảm thấy khó chịu, thậm chí là ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển của trẻ nhỏ.
1. Cù lét
Cù lét để bé cười là thói quen mà rất nhiều người lớn thường mắc phải, bởi muốn nhìn được nụ cười tươi vui của bé. Thế nhưng theo một nhà nghiên cứu từ Đại học California, Hoa Kỳ thì hành động này không mang đến cảm giác hạnh phúc. Tiếng cười lúc này chỉ là một phản xạ tự nhiên, dù có ghét thì bé vẫn phải cười.
2. Đặt đồ chơi lên giường bé
Trẻ sơ sinh chỉ cần một tấm nệm tốt, một tấm trải giường và nếu trời lạnh là một chiếc chăn nhỏ. Cha mẹ cũng có thể chuẩn bị cho con một cái gối nhỏ và phẳng. Theo nghiên cứu, trước giai đoạn 1 tuổi bé không cần phải dùng gối.
Bên cạnh đó con cũng không cần đồ trang trí đặc biệt nào trên giường cả. Dù là đồ chơi mềm thì cũng không cần thiết bởi nó có thể làm cản trở giấc ngủ của trẻ, thậm chí khi vô tình úp mặt vào còn làm khó thở.
3. Dùng đèn ngủ
Để đèn ngủ có ánh sáng nhẹ trong phòng bé cả đêm không tốt chút nào, dù nó có thể giúp người lớn dễ dàng chăm sóc con hơn. Nguyên nhân được cho là do hormone tăng trưởng sản xuất trong khi ngủ chỉ được giải phóng trong điều kiện bóng tối. Thực tế đèn ngủ không hề giúp bé tránh gặp phải nỗi ám ảnh về bóng tối nên việc này hoàn toàn không cần thiết.
4. Đung đưa trẻ
Hành động này là thói quen dỗ con ngủ thường thấy của nhiều bậc cha mẹ. Có khi chúng ta phải bế bồng con rất lâu mà trẻ chẳng chịu đi ngủ. Các bác sĩ khuyến cáo phụ huynh nên dạy bé ngủ theo lịch từ lúc mới chào đời và thoát khỏi những ảnh hưởng bên ngoài như ướt tã, đói, ồn ào… thì sẽ bỏ được thói quen này.
5. Không cho con chơi trước gương
Nhiều bậc cha mẹ tin vào quan niệm dân gian là cho trẻ soi gương sẽ khiến con bị ốm. Tuy nhiên bác sĩ Suzy Green, người sáng lập Positivity Institute lại khuyến cáo ngược lại là phụ huynh nên chơi với con trước gương. Bà cho rằng việc này sẽ giúp bé phát triển khả năng nhận thức tốt hơn. Ở mỗi độ tuổi khác nhau con lại có những phản ứng khác nhau khi nhìn thấy mình trong gương.
6. Giữ bé sống trong môi trường vô trùng
Quan niệm của phần lớn bậc phụ huynh là giữ môi trường sạch sẽ vô cùng quan trọng khi chăm sóc bé. Điều ấy không sai nhưng chúng ta không nên kỹ quá mức. Nếu bạn giữ bé sống trong môi trường quá sạch sẽ thì hệ miễn dịch của con sẽ chậm phát triển, dễ dẫn tới việc nhiễm trùng ở trẻ hoặc gặp phải các phản ứng dị ứng như hen suyễn, viêm mũi, viêm da dị ứng.
7. Ép con ăn hết bữa
Đừng bao giờ cố ép con ăn hết bữa dù bé không muốn. Bởi dưới áp lực của chúng ta, con có thể cố gắng ăn hết nhưng sẽ không hề thấy hạnh phúc. Hơn nữa hành động này vô hình trung còn gây nên thói quen ăn uống xấu, khiến bé không học được cách hiểu các tín hiệu của cơ thể mình. Đặc biệt việc ăn quá nhiều khi đã cảm thấy no còn gây áp lực rất lớn lên hệ tiêu hóa.
8. Dạy bé dùng bô quá sớm
Các chuyên gia cho rằng chúng ta không nên cho con dùng bô khi mới được 1 – 2 tuổi, bởi lúc này bé chưa nhận biết cách phản ứng đúng với tín hiệu cơ thể. Bàng quang cơ thể người sẽ cần mất khoảng 3 – 4 năm để phát triển, trước sau gì bé cũng sẽ học được cách kiểm soát tín hiệu cơ thể. Để con đi tiểu tự nhiên sẽ có tác dụng phát triển bàng quang.
9. Đút cho trẻ
Việc đút sẽ khiến bé ăn quá lâu và lâu dài dẫn tới các vấn đề về cân nặng. Hơn nữa khi đút chúng ta cũng không thể biết được bé đã ăn no chưa và kết quả là cho con ăn quá nhiều. Các nhà nghiên cứu cho biết, khi tự ăn trẻ có thể ăn theo tốc độ của riêng mình và tự cảm nhận hương vị của thực phẩm. Theo thời gian nó sẽ giúp trẻ phát triển thái độ đúng đắn với thực phẩm.
10. Buộc con phải chia sẻ
Khi lên 3 bé sẽ bắt đầu học được cách cư xử và quản lý những thứ chúng sở hữu. Đây cũng là lý do khi bất cứ ai lấy đi thứ gì đó của mình con cũng xem như là xâm phạm. Cha mẹ nên thấu hiểu điều này và ngừng việc buộc bé chia sẻ đồ chơi, đồ ăn của mình với trẻ khác. Điều đó sẽ dẫn tới hậu quả là bé không biết cách nói “không” ngay cả khi đó là vì lợi ích chính đáng của bản thân.
Thụy Anh
Nguồn tham khảo: Hellobacsi
Lưu ý:
Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể.