Khi nào tiêm phòng viêm não Nhật Bản cho trẻ em? Cha mẹ cần biết
1. Di chứng thần kinh nặng nề do viêm não Nhật Bản
Muỗi là vật trung gian lây truyền bệnh viêm não Nhật Bản. Muỗi hút máu động vật bị nhiễm virus (đa phần từ lợn và chim) sau đó đốt và truyền bệnh sang cho người.
Theo một nghiên cứu, ước tính, có khoảng 20-30% trẻ tử vong do mắc viêm não Nhật Bản và lên đến 50% bệnh nhân có di chứng thần kinh, tâm thần nặng nề
Bệnh viêm não Nhật Bản có bệnh cảnh rất nặng. Nếu qua khỏi, trẻ vẫn có nguy cơ cao phải chịu những hệ lụy khá nặng nề khi có quá nhiều di chứng thần kinh và vận động như:
- Sống đời sống thực vật
- Chậm phát triển trí tuệ
- Động kinh
- Parkinson
- Khó hòa nhập với xã hội
- Yếu chi…
2. Khi nào tiêm phòng viêm não Nhật Bản cho trẻ em?
Đến nay, cách phòng bệnh duy nhất là tiêm phòng vắc xin. Hiện nay có 3 loại vaccin viêm não Nhật Bản đang được sử dụng trên thế giới: Vắc xin viêm não Nhật Bản bất hoạt được chế tạo từ chủng virut kháng nguyên Nakayama, Yoken và Beijing-1 trên não chuột. Vắc xin này đang được dùng phổ biến ở Nhật Bản, Hàn Quốc và các nước Đông Nam Á, bao gồm có Việt Nam. Gây miễn dịch cơ bản bằng 2 liều nên cách nhau từ 7 – 14 ngày, tùy theo mức độ nghiêm trọng của bệnh lưu hành tại địa phương mà có thể chỉ định tiêm nhắc lại một liều bổ sung sau một năm trở lên. Vậy khi nào tiêm phòng viêm não Nhật Bản cho trẻ em?
Để phòng bệnh, cha mẹ nên cho trẻ cần tiêm vắc xin đủ 3 liều. Tuổi tiêm viêm não Nhật Bản được các bác sĩ khuyến cáo là tiêm khi trẻ từ 12 tháng tuổi:
- Mũi 1: lúc trẻ 1 tuổi
- Mũi 2: cách mũi 1 từ 7-14 ngày.
- Mũi 3: cách mũi 2 một năm
Đối với bệnh viêm não Nhật Bản người lớn, nếu chỉ tiêm 1 mũi thì không có hiệu lực bảo vệ, còn nếu tiêm đủ 2 mũi thì sẽ có hiệu lực bảo vệ đạt trên 80% và tiêm đủ 3 mũi thì đạt tới 90-95% trong khoảng 3 năm.
Do đó cứ 3-4 năm tiêm nhắc lại một lần cho đến khi trẻ đạt 16 tuổi.
3. Tác dụng phụ có thể gặp khi tiêm vắc-xin viêm não Nhật Bản
Không chỉ phải nắm kiến thức khi nào tiêm phòng viêm não Nhật Bản cho trẻ, cha mẹ còn phải nắm những tác dụng phụ gặp phải. Cũng giống như hầu hết các loại vắc xin, tiêm vắc xin viêm não Nhật Bản cũng có 1 tỷ lệ trẻ gặp tác dụng phụ tại chỗ tiêm như: đau, sưng, đỏ (khoảng 5 – 10%). Một số có thể có phản ứng toàn thân: sốt nhẹ, đau đầu, quấy khóc và mệt mỏi. Các phản ứng phụ như trên xuất hiện khoảng vài giờ sau khi tiêm và thường tự hết sau 1-2 ngày. Chỉ có một tỷ lệ cực nhỏ (1 trường hợp trên 1 triệu mũi tiêm) có thể gặp choáng (hay sốc) sau khi tiêm trong vòng vài giờ thì cần được đưa ngay tới cơ sở y tế gần nhất để xử trí cấp cứu.
Phản ứng phụ sẽ được hạn chế nếu thực hiện các mũi tiêm đúng thời gian, liều lượng, đường tiêm và việc khám sàng lọc cho trẻ trước khi tiêm thực hiện tốt, theo dõi trẻ sau khi tiêm trong vòng 30 phút theo quy định về an toàn tiêm chủng. Phụ huynh nên chọn tiêm phòng cho bé tại các cơ sở đảm bảo nguồn vắc xin để tránh sai lịch, trễ lịch tiêm, có bác sĩ chuyên môn thăm khám trước tiêm và thực hiện đúng quy trình 4 bước: phòng chờ, khám và tư vấn, tiêm, theo dõi sau tiêm.
Việc nắm được lịch trình khi nào tiêm phòng viêm não Nhật Bản cho trẻ em có vai trò rất quan trọng với trẻ. Nó là lá chắn bảo vệ trẻ khỏi nguy cơ mắc phải căn bệnh này.
Thanh Hoa
Lưu ý:
Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể.