Hướng dẫn phục hồi chức năng cho trẻ bại não

Huong Dan Phuc Hoi Chuc Nang Cho Tre Bai Nao Klgra 1568209323

Hướng dẫn phục hồi chức năng cho trẻ bại não

Cùng tìm hiểu về bệnh bại não và cách phục hồi chức năng cho trẻ bại não nhé!

1. Tìm hiểu chung về bại não ở trẻ

Bại não là thuật ngữ dùng để chỉ một nhóm các rối loạn thần kinh trung ương ảnh hưởng đến sự kiểm soát vận động, tư thế, giác quan, tâm thần và hành vi, gây nên do tổn thương não không tiến triển xảy ra vào giai đoạn trước, trong và sau khi sinh cho đến 2 tuổi.Bại não là do rối loạn hệ thần kinh ảnh hưởng đến sự kiểm soát vận độngBại não là do rối loạn hệ thần kinh ảnh hưởng đến sự kiểm soát vận động, tư thế, giác quan… của trẻ

Tần xuất:

Bại não thường ít khi được chẩn đoán sớm trước 2 tuổi. Với lứa tuổi trên 3 thì tần suất bại não vào khoảng 2-3 trường hợp/1000 trẻ. Đây là một tỷ lệ khá cao đối với một bệnh mạn tính, ngay cả ở Mỹ cũng có trên nửa triệu bệnh nhân bại não.

Trẻ bại não bị khiếm khuyết nhiều chức năng khác nhau tùy thuộc mức độ tổn thương của não, trong đó hai chức năng bị tổn thương nhiều nhất là khả năng vận động và khả năng giao tiếp xã hội.

Rối loạn vận động thường gặp là:

  • Co cứng: Tình trạng co cứng có thể ở các mức độ khác nhau từ nhẹ đến nặng, co cứng các cơ gấp ở tứ chi, co cứng cả các cơ thân mình gây cho trẻ tư thế vặn vẹo, thường do tổn thương ở hồi trán lên.
  • Múa vờn: thường do tổn thương các nhân vùng nền não, đó là các động tác bất thường không chủ động của tay, các ngón tay, chân, có thể cả thân mình.
  • Thất điều: mất điều hòa vận động làm dáng đi bất thường, khó thực hiện các động tác phức tạp cần có sự phối hợp nhiều nhóm cơ.

Giảm khả năng giao tiếp biểu hiện:

  • Chậm phát triển trí tuệ: tùy mức độ có thể nhẹ đến nặng.
  • Rối loạn ngôn ngữ bao gồm cả thất ngôn vận động (khó diễn đạt), thất ngôn tiếp nhận (khó hoặc không hiểu lời), khó phát âm.
  • Có thể có rối loạn về nghe hoặc nhìn.
  • Giảm khả năng giao tiếp với bạn bè, người thân hoặc người khác trong cộng đồng.

2. Hướng dẫn phục hồi chức năng cho trẻ bại não

Phục hồi chức năng là biện pháp quan trọng, giúp trẻ cải thiện các chức năng bị mất hoặc khiếm khuyết, phục hồi chức năng cho trẻ bị bệnh bại não cần sớm và toàn diện với sự tham gia của người thân bệnh nhân để việc điều trị được liên tục. Các phương pháp phục hồi chức năng cho trẻ bại não bao gồm:

  • Vận động trị liệu: Sử dụng các bài tập vận động tùy theo thể bệnh để giúp trẻ giảm các mẫu vận động bất thường, tăng khả năng vận động bình thường.
  • Hoạt động trị liệu: Sử dụng các bài tập hoạt động trị liệu, các trò chơi giúp trẻ có thể thực hiện được các hoạt động theo sự phát triển của lứa tuổi.
  • Ngôn ngữ trị liệu: Giúp trẻ kiểm soát các cơ của lưỡi, hàm, tập phát âm được. Ngôn ngữ trị liệu cần được tiến hành trước tuổi trẻ đến trường và tiếp tục trong suốt thời gian đi học.
  • Chăm sóc: Trẻ nhỏ cần có chế độ chăm sóc đặc biệt, cung cấp đủ dinh dưỡng, đủ ánh sáng, được giao tiếp với các trẻ khác và người lớn.
  • Giáo dục hướng nghiệp: Đối với trẻ đã lớn, mức độ bại não nhẹ, việc giáo dục hướng nghiệp giúp cho trẻ có thể độc lập và hòa nhập với gia đình và xã hội.

Phương pháp phục hồi chức năng cho trẻ bại não:

Tập luyện vận động

  • Điều chỉnh các tư thế bất thường của tay và chân trẻ.
  • Tập luyện các chức năng vận động theo các giai đoạn phát triển của trẻ như nâng đầu cổ, lăn lật,ngồi, bò, quỳ, đứng, đi…
  • Kích thích và tạo thuận cho trẻ vận động một cách chủ động thông qua các hoạt động trò chơi để rèn luyện nhận thức về cảm giác: Xúc giác, thị giác, thính giác, vị giác.
  • Kỹ thuật để điều chỉnh tư thế như bế nách, địu, nằm võng, xoay lẫy, ngồi, giữ thăng bằng, đứng.
Mẹ phải kiên nhẫn tập luyện cho bé theo các giai đoạn phát triển của trẻ như nâng đầu, cổ...Mẹ phải kiên nhẫn tập luyện cho bé theo các giai đoạn phát triển của trẻ như nâng đầu, cổ…

Tập luyện các sinh hoạt hằng ngày

  • Kỹ năng sinh hoạt hàng ngày bao gồm: Ăn uống, vệ sinh, tắm rửa, mặc quần áo… của trẻ bại não thường bị ảnh hưởng.
  • Trẻ bại não thể nặng thường phụ thuộc hoàn toàn vào sự giúp đỡ của gia đình trong mọi hoạt động sinh hoạt. Nên việc phục hồi chức năng cho trẻ bại não rất cần sự nhẫn nại lâu dài của người thân.
  • Nếu được huấn luyện sớm, đúng cách thì nhiều trẻ bại não có thể tự lập trong cuộc sống hàng ngày. Điều này rất quan trọng, nhất là khi trẻ bại não trưởng thành.

Phục hồi chức năng cho trẻ bại não cho trẻ sơ sinh:

  • Đặt đúng tư thế khi nằm: chống lại tư thế co cứng.
  • Nếu trẻ nằm hai chân duỗi chéo nhau thì có thể dùng khố đóng để tách ra hoặc cố định 2 chân.
  • Nếu trẻ thường ưỡn người ra sau, nên đặt nằm nghiêng, nằm võng hoặc trên thùng phi.
  • Nếu trẻ không ngẩng đầu hoặc nhấc tay ra được: đặt trẻ ở tư thế chống 2 tay.
  • Nằm ngửa không tốt đối với trẻ bại não.

Cách bế ẵm trẻ:

  • Nếu trẻ thường nằm với tư thế 2 tay co, 2 chân duỗi thì bế sao cho 2 tay duỗi thẳng, 2 gối và háng gập
  • Nếu trẻ có khả năng kiểm soát tốt hơn thì có thể bế ở tư thế ít cần trợ giúp

Tư thế khi ngồi:

  • Nếu 2 chân trẻ bắt chéo vào nhau và xoay vào trong, khớp vai xệ xuống, 2 tay xoay vào trong: đặt trẻ ngồi tách 2 chân ra, nâng 2 vai lên, xoay chân tay ra ngoài.
  • Nếu trẻ khó khăn khi ngồi: giữ 2 chân cho trẻ.
  • Trẻ có khả năng thăng bằng kém, hai chân thường bắt ngược ra sau (hình chữ W) để khỏi ngã: không nên khuyến khích trẻ ngồi kiểu hình chữ W do có thể gây biến dạng khớp háng, gối.
  • Nếu trẻ luôn dạng hai chân, mông ưỡn ra sau, khớp vai đưa ra sau, đầu tiên cần đặt trẻ ngồi sao cho thân ở tư thế gập về phía trước, 2 chân chụm vào nhau rồi đưa 2 vai ra trước và xoay vào trong. Sau đó, hãy cùng chơi với trẻ trên bàn và ngồi đối diện với trẻ để trẻ phải với tay ra phía trước lấy đồ chơi. Cha mẹ chú ý đảm bảo để hai bàn chân đặt trên mặt phẳng nhé.
  • Trẻ nhỏ không đặt một vị trí quá 20 phút.

Lẫy và xoay người:

  • Nếu trẻ bị co cứng, phải làm giảm cứng bằng cách đẩy chân trẻ ra sau và ra trước, sau đó giúp trẻ tập xoay người và lẫy.
  • Tìm trò chơi sao cho trẻ muốn xoay người và tự xoay người.
Hỗ trợ trẻ bại não co cứng tập xoay người, lẫy bằng cách đẩy chân trẻHỗ trợ trẻ bại não co cứng tập xoay người, lẫy bằng cách đẩy chân trẻ

Vui chơi:

  • Để phát triển nhận thức và vận động.
  • Tăng khả năng tập trung và trí nhớ.
  • Lựa chọn trò chơi phù hợp theo tuổi.
  • Chơi bóng.
  • Âm nhạc.
  • Ghép hình.

Ăn uống: tập kiểm soát ăn uống.

Đối với trẻ liệt bán thân: tập tốt bên liệt.

Đối với trẻ múa vờn: dùng sự đề kháng để kiểm soát cử động.

Nguyên tắc phục hồi chức năng cho trẻ bại não là để ức chế sự phát triển bất thường của cơ thể trẻ. Việc tập phục hồi chức năng cho trẻ bại não phải kiên trì, lâu dài, chứ không thể một sớm một chiều là cải thiện được bệnh của trẻ. Cũng có trường hợp, việc tập này kéo dài gần như cả cuộc đời.

Thanh Hoa

Lưu ý:
Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *