Cách đơn giản giúp mẹ phòng ngừa sún răng ở con
Bài viết dưới đây sẽ mách mẹ các cách đơn giản giúp mẹ phòng ngừa sún răng ở con và giúp con có hàm răng khỏe, đẹp.
Sún răng ở trẻ có thực sự nguy hiểm không?
Thông thường, trước khi răng vĩnh viễn mọc thì hầu hết cha mẹ thường không quá coi trọng việc chăm sóc răng miệng cho trẻ, nên tình trạng sún răng hay răng sữa bị sâu của bé thì nhiều cha mẹ còn coi đó là bình thường.
Theo các chuyên gia nha khoa thì việc chăm sóc răng lợi cần được chú trọng ngay từ khi trẻ vẫn còn nằm trong bụng mẹ. Vì lúc này nếu sức khỏe răng lợi của mẹ kém sẽ tác động trực tiếp đến em bé: như bị sinh non, nhẹ cân và quan trọng cũng sẽ bị nhiễm vi khuẩn sâu răng từ mẹ truyền sang.
Tình trạng Sún răng rất hay gặp ở trẻ 1-3 tuổi bởi lúc này thói quen bé là thích đồ ngọt nên sẽ đòi ăn, một khi cha mẹ cho ăn quá nhiều các loại thực phẩm chứa đường và tính bám dính cao thì dễ lên men, sinh ra axit phá hủy men răng.
Răng sữa mọc ở trong khoang miệng và nếu bị sún chúng cũng giữ lại những vi khuẩn có hại làm ảnh hưởng tới không chỉ phần răng đó mà còn ảnh hưởng đến nướu, răng vĩnh viễn sau này.
Khi răng sún bị mòn dần, tủy răng sẽ bị hở và ngà răng sữa bị lộ. Lúc này bé sẽ cảm thấy khó chịu, nhất là sẽ đau nhức khi ăn uống. Nếu cha mẹ không can thiệp sẽ ảnh hưởng đến sinh hoạt hàng ngày, bé dễ quấy khóc, chán ăn.
Ngoài ra, khi răng của bé bị mòn do sún thì một thêm nguy cơ nữa là bé có nguy cơ bị nói ngọng. Bởi thực tế nhiều chuyên gia cho biết có rất nhiều trẻ sún răng rất khó phát âm chuẩn từ, nên thường nói ngọng hơn các bé khác.
Đặc biệt, tình trạng này còn làm thay đổi tiến trình mọc răng của bé chuẩn như dẫn tới những sai lệch của răng vĩnh viễn về sau. Nguyên nhân là khi răng sún thì lợi cũng sẽ đóng kín nhanh khi răng vĩnh viễn tại vị trí này chưa kịp mọc lên. Do đó, răng vĩnh viễn khi mọc sẽ gặp phải nhiều khó khăn hơn và có thể mọc lệch, gây đau đớn cho trẻ.
Cách đơn giản giúp mẹ phòng ngừa sún răng ở con
Vệ sinh răng miệng cho bé
Khi những chiếc răng đầu tiên nhú lên là lúc mẹ cần chăm sóc đặc biệt hơn cho răng sữa bé. Ban đầu, mẹ có thể vệ sinh bằng khăn gạc mềm cho chiếc răng sữa của bé.
Tốt nhất, hãy tạo thói quen vệ sinh răng hàng ngày cho bé vào mỗi sáng sớm và sau mỗi lúc ăn. Sau khi ăn nên cho bé uống nước ngay để rửa trôi thức ăn. Hành động này vừa giúp sạch răng vừa sạch họng và phòng được viêm họng cho bé.
Chải răng cho bé
Khi bé bước sang tuổi năm thứ 2 thì hàm răng đã tương đối hoàn chỉnh, bé đã ăn được cơm và rất nhiều các loại thức ăn của người lớn, vì vậy hàm răng bé cần được chăm sóc cẩn thận hơn. Bé cần được vệ sinh răng bằng kem có chứa Fluor để ngừa sâu răng.
Khi bé bắt đầu 3 tuổi thì bố mẹ nên tập cho bé tự chải răng đúng cách: có thể chải răng dọc từ chân răng xuống và chải đủ 3 mặt trong, trên và ngoài ít nhất là 2 lần vào buổi sáng sau khi ngủ dậy và buổi tối trước khi ngủ.
Loại bỏ những thói quen xấu
Để bảo vệ răng con cha mẹ hãy tuyệt đối chú ý không cho trẻ bú bình quá nhiều hay ngậm bình sữa khi ngủ.
Ngoài ra, không nên cho con dùng răng cắn vật cứng, hạn chế cho bé ăn kẹo, uống nước có ga và ăn đêm. Nếu bé đã có thói quen uống sữa đêm trước khi ngủ thì uống sữa xong bố mẹ hãy cho con uống nước lọc để súc miệng.
Tuy nhiên, hầu hết các nha sĩ đều khuyến cáo cha mẹ nên chủ động ngưng cho trẻ bú đêm khi bé đã được 8 – 10 tháng tuổi. Nguyên do việc bú về đêm sẽ làm con bị gián đoạn giấc ngủ, gây phát triển chiều cao kém và dễ gây hư răng sữa.
Với những trẻ có thói quen ngậm cơm, chậm nhai thì cha mẹ cần kiểm tra miệng bé sau khi ăn để tránh thức ăn còn thừa bám vào kẽ răng và gây sún răng.
Lưu ý về thực đơn cho bé để đảm bảo răng đẹp
Trong thời kỳ trẻ chuẩn bị thay răng sữa và mọc răng vĩnh viễn, bố mẹ nên tăng cường các loại thực phẩm hỗ trợ và bổ sung chất cho răng của bé như giàu canxi và flour vào chế độ ăn; chẳng hạn cá biển, trứng, gan động vật, sữa tươi.
Cà rốt cũng là loại thực phẩm hỗ trợ răng chắc khỏe, giúp lợi mau liền sau khi bị tổn thương và làm giảm tình trạng chảy máu chân răng. Bên cạnh đó, cha mẹ cũng nên hạn chế cho trẻ sử dụng những thực phẩm không tốt cho răng miệng như đồ uống có ga, nước ngọt, nước lạnh hay bánh kẹo.
Cho bé khám răng
Tốt nhất là cha mẹ nên cho bé khám răng định kỳ 3-6 tháng/lần. Với những bé đã gặp phải tình trạng sún răng, răng sữa có dấu hiệu lung lay sớm thì cũng cần đưa trẻ đến khám ở cơ sở chuyên khoa răng hàm mặt uy tín để nha sĩ chẩn đoán chính xác, đưa ra lời khuyên cần thiết để tránh hiện tượng răng bé bị mọc chen chúc, mọc lệch sau này.
Vấn đề sún răng của trẻ hoàn toàn có thể dễ dàng được kiểm soát và phòng ngừa nếu cha mẹ chú ý tới việc vệ sinh răng miệng của con và duy trì thói quen sống khoa học, cho bé khám răng định kỳ.
Thanh Hoa
Lưu ý:
Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể.