Bạn đã biết phương pháp nuôi dạy con theo tính cách phù hợp chưa?
Các chuyên gia đã đưa ra 4 kiểu nuôi dạy con khác nhau, chủ yếu tập trung vào những khía cạnh như là: sự yêu thương, quan tâm, chăm sóc và sự khác nhau về giới hạn kỷ luật. Mỗi kiểu trong số này lại có một đặc điểm khác nhau. Hãy cùng điểm sơ qua thông qua nội dung sau đây để biết được bạn đang nuôi dạy con theo hướng nào.
1. Kiểu nuôi dạy con có căn cứ, có thẩm quyền (Cá heo có thẩm quyền)
Đây là cách nuôi dạy con tốt nhất bởi nó cân bằng được nhiều yếu tố. Qua đó cha mẹ vẫn là người nắm quyền nhưng vẫn luôn khoan dung và giải đáp được các thắc mắc, ngờ vực của bé với những điều mà chúng được yêu cầu làm. Phụ huynh đưa ra những giới hạn và kỳ vọng cho con, nhưng đồng thời vẫn luôn khuyến khích bé độc lập và tự ra quyết định.
Chẳng hạn như khi chẳng may bé về muộn, nếu nuôi dạy con theo kiểu này thì cha mẹ sẽ không vội khiển trách hay trừng phạt, mà để bé giải thích lý do vì sao. Các bé được nuôi dưỡng tốt trong môi trường này thường có khả năng xã hội tốt, có lòng tự trọng, độc lập và có tính trách nhiệm cao. Hơn nữa nhờ năng lực tự đưa ra quyết định cho bản thân mà bé có nhiều cơ hội thành công hơn.
Đặc điểm:
- Lên kế hoạch việc ăn, ngủ hoặc nguyên tắc cho con trong gia đình.
- Cho bé biết về hậu quả sẽ phải chịu khi vi phạm nội quy hay phá vỡ các nguyên tắc.
- Giao tiếp với con cởi mở và thân thiện.
- Bé hiểu kỳ vọng của cha mẹ và lý do tại sao.
2. Kiểu nuôi dạy con cái độc tài (Hổ độc tài)
Cha mẹ nuôi dạy con kiểu này luôn đưa ra những yêu cầu và bắt buộc con phải nghe theo. Khi phạm lỗi nhỏ hoặc không thực hiện, làm theo hướng dẫn thì chúng sẽ bị phạt. Phụ huynh nuôi dạy con độc tài thường rất nghiêm khắc, cứng rắn.
Họ cố gắng kiểm soát cuộc sống của trẻ và vô hình trung ảnh hưởng đến cảm xúc của bé. Chẳng hạn khi trẻ phạm sai lầm, cha mẹ sẽ phạt bé ngay mà không cho con thời gian để giải thích. Những trẻ được nuôi dạy theo kiểu này thường ít có kỹ năng xã hội và lớn lên thành người chỉ biết tuân thủ.
Đặc điểm:
- Cha mẹ đưa nội quy nghiêm khắc và tin chắc con sẽ thực hiện mà không có vấn đề gì.
- Cho bé rất ít sự lựa chọn và hiếm khi để chúng tự quyết định chuyện trong cuộc sống.
- Không đưa ra bất cứ lời giải thích nào cho những nguyên tắc đã đặt ra.
- Áp dụng hình phạt nếu con không tuân theo.
- Dè dặt với việc thể hiện tình thương và chăm sóc con.
3. Kiểu nuôi dạy con thoải mái, dễ dãi, tự do (Kangaroo cho phép)
Cha mẹ nuôi dạy con kiểu này thường có khuynh hướng chiều chuộng, luôn cố gắng bảo vệ bé trước những tổn hại trong cuộc sống. Phụ huynh không đưa ra yêu cầu hay đòi hỏi gì với con mình mà luôn tràn đầy tình yêu thương. Chẳng hạn như khi bé về muộn cha mẹ sẽ không bắt con giải thích gì cả, bởi họ luôn tránh xung đột và chiều con hết sức.
Bé được nuôi dạy kiểu tự do thế này thường có kỹ năng xã hội tốt. Nhưng con dễ gặp phải các bấn đề về hành vi cũng như không có động lực trong cuộc sống.
Đặc điểm:
- Luôn tránh xung đột với bé.
- Không đặt ra quy tắc hay luật lệ nào mà luôn nhượng bộ con.
- Muốn trở thành người bạn thân nhất chứ không phải cha mẹ bé.
- Thường mua chuộc để con làm việc với những phần thưởng lớn.
4. Kiểu nuôi dạy con cái không để tâm, cẩu thả (Gấu trúc lơ đễnh)
Đây là kiểu dạy con vô trách nhiệm và không có yêu cầu hay đòi hỏi gì với con. Mức độ gắn bó, quan tâm và kiểm soát con của các bậc phụ huynh này rất thấp. Chẳng hạn như việc về trễ, nếu là cha mẹ vô trách nhiệm thì thậm chí còn không biết con đã về lúc nào nữa.
Kiểu nuôi dạy trẻ này có tác động rất tiêu cực đến bé. Hơn nữa mối quan hệ gắn kết giữa cha mẹ và con thường vô cùng mỏng manh.
Đặc điểm:
- Không quan tâm đến nhu cầu thể chất, tình cảm hoặc các nhu cầu khác của bé.
- Nhà không cồn là nơi an toàn để bé chia sẻ kinh nghiệm.
- Không biết con đang gặp phai chuyện gì.
- Thường xuyên bào chữa cho việc không có thời gian bên bé.
- Thường vắng nhà trong thời gian dài.
- Không quan tâm đến cuộc sống trẻ khi chúng ra ngoài.
- Không biết thầy cô hay bạn bè của con.
Sự phát triển nhân cách và hành vi của bé phụ thuộc nhiều vào cha mẹ. Bạn hãy phân tích cách nuôi dạy con nào tốt cũng như dựa trên tính cách bé để xác định một biện pháp phù hợp.
Thụy Anh
Nguồn tham khảo: Hellobacsi
Lưu ý:
Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể.