Sau một thời gian dài đeo khẩu trang, làm thế nào để không bị mụn?
Các chuyên gia y tế khuyên mọi người nên rửa tay thường xuyên với xà phòng và mang khẩu trang trong tình hình dịch bệnh Covid-19 đang phức tạp. Đeo khẩu trang nhiều lại khiến da phản ứng và phát sinh mụn. Sau đây là những phương pháp mà bạn có thể tham khảo:
Không nên trang điểm nếu không cần thiết
Khẩu trang là vật bất ly thân mỗi khi ra ngoài trong mùa dịch bệnh. Việc đeo khẩu trang liên tục trong khoảng thời gian dài sẽ khiến mồ hôi, bã nhờn kết hợp cùng cặn mỹ phẩm trang điểm, tế bào chết, bụi bẩn… gây tắc nghẽn lỗ chân lông. Đây là điều kiện thuận lợi cho mụn phát triển. Vì vậy, bạn nên hạn chế trang điểm. Nếu bắt buộc phải make up, hãy tẩy trang kỹ vào cuối ngày.
Mang theo chai nước tẩy trang dịu nhẹ
Nước tẩy trang là giải pháp làm sạch da nhanh chóng, không gây nhờn rít nên không cần rửa lại với nước. Bạn có thể lau mặt bằng nước tẩy trang vào giữa ngày, hoặc sau khi di chuyển ngoài trời quá lâu cùng chiếc khẩu trang. Sản phẩm nước tẩy trang nên có trong túi xách của bạn là loại không chứa cồn và không chứa hương liệu.
Sử dụng sản phẩm rửa mặt gốc nước
Cả ngày bên ngoài cùng khẩu trang, làn da sẽ bị tích tụ nhiều dầu thừa, tạp chất nên rất cần được làm sạch vào buổi tối. Tuyệt đối không đi ngủ với gương mặt không sạch sẽ nếu không muốn bị mụn trong mùa dịch. Hãy kết thân cùng sản phẩm rửa mặt dịu nhẹ, ít bọt và không chứa thành phần có tính tẩy rửa khắc nghiệt.
Cân bằng độ pH cho da sau khi rửa mặt
Độ pH tự nhiên của da có giá trị trong khoảng 4.5-6.2. Một số sản phẩm rửa mặt chứa thành phần làm sạch có tính kiềm cao sẽ làm tăng độ pH của da, dẫn đến tình trạng khô căng, khó chịu. Vì thế, bạn nên dùng dung dịch toner để cấp ẩm, cân bằng độ pH, đồng thời giảm ửng đỏ, da bong tróc. Lưu ý không sử dụng toner có chứa cồn, hương liệu, chất làm se da như chiết xuất cây phỉ, tinh dầu bạc hà… vì đây là các thành phần dễ gây kích ứng.
Duy trì tần suất tẩy tế bào chết 2 lần/tuần
Đeo khẩu trang thường xuyên trong mùa dịch bệnh dễ khiến lỗ chân lông bị bít tắc bởi bụi bẩn, dầu thừa, vụn tế bào chết… Tẩy tế bào chết giúp giải phóng tạp chất ra khỏi da, từ đó hạn chế nguy cơ bị mụn. Không nên chọn sản phẩm tẩy tế bào chết dạng hạt vì nó có thể có cạnh sắc gây tổn thương cho da. Nếu bạn có làn da dầu, da dễ bị mụn thì loại tẩy tế bào chết hóa học, chứa axit salicylic (BHA) là thích hợp cho bạn. BHA tan trong dầu nên có thể đi sâu vào lỗ chân lông để loại bỏ tạp chất đang tích tụ tại đó, góp phần giảm mụn và chống viêm.
Cung cấp cho da các dưỡng chất chống oxy hóa
Ngoài làm sạch, tẩy da chết kỹ lưỡng, làn da cũng cần được dung nạp các thành phần có lợi giúp tăng cường khả năng tái tạo, sửa chữa thương tổn và duy trì trạng thái khỏe mạnh. Hãy bổ sung cho da những dưỡng chất chống oxy hóa như vitamin C, vitamin E, retinol, niacinamide… từ các loại serum, kem dưỡng.
Dưỡng ẩm bằng kem dưỡng có kết cấu mỏng nhẹ
Dưỡng ẩm vào ban ngày lẫn ban đêm có tác dụng duy trì độ ẩm bền vững, cải thiện sức mạnh của hàng rào bảo vệ da và giữ cho da luôn mềm mịn. Một sản phẩm kem dưỡng có kết cấu mỏng nhẹ, thấm nhanh, không gây bí bách là lựa chọn lý tưởng cho thói quen chăm sóc da hàng ngày.
Bảo vệ da đầy đủ bằng kem chống nắng vào ban ngày
Kem chống nắng chính là “vệ sĩ” của làn da. Nó ngăn chặn ảnh hưởng tiêu cực của tia UV từ mặt trời gây ra cho da như bỏng nắng, đốm nâu, da chảy xệ, da bị lão hóa sớm… Nếu làn da không được bảo vệ chu đáo sẽ trở nên yếu ớt, khi bị mụn tấn công sẽ lâu lành, đồng thời các thương tổn sau mụn như vết thâm, sẹo lõm cũng khó khắc phục hơn.
Kết hợp xông hơi vào quy trình chăm sóc da
Xông hơi góp phần đào thải bụi bẩn, bã nhờn tích tụ dưới da, giúp giảm mụn cũng như hỗ trợ thư giãn thần kinh hiệu quả.
Dùng giấy thấm dầu để kiểm soát dầu thừa
Đeo khẩu trang trong thời gian dài sẽ làm tăng nhiệt độ trên bề mặt da, khiến da nhanh tiết dầu, đổ mồ hôi. Do đó, bạn nên mang theo giấy thấm dầu nhằm thấm bớt dầu thừa khi cần. Tránh không để da bị bóng dầu quá mức vì vừa làm vẻ ngoài mất thẩm mỹ và tăng nguy cơ dễ bị bít tắc lỗ chân lông, nổi mụn.
Nhân Tâm
Lưu ý:
Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể.