Khi nào chị em phải sàng lọc ung thư cổ tử cung?

Khi Nao Chi Em Phai Sang Loc Ung Thu Co Tu Cung Ciwrl 1600420034

Khi nào chị em phải sàng lọc ung thư cổ tử cung?

Căn bệnh này hoàn toàn có thể phòng tránh được nếu tuân thủ sàng lọc định kỳ. Phát hiện sớm các thay đổi bất thường sẽ giúp điều trị kịp thời, giảm thiểu chi phí và hạn chế tử vong.

Thực trạng hiện nay: Phát hiện ung thư cổ tử cung khi đã muộn

Ung thư cổ tử cung là căn bệnh ác tính phổ biến và đặc biệt nguy hiểm. Tại Việt Nam, đây là loại ung thư thường gặp thứ 2 ở phụ nữ. Điều đáng ngại nhất là ung thư cổ tử cung không có triệu chứng rõ ràng ở giai đoạn đầu. Khi thấy ra máu âm đạo bất thường hoặc ra máu khi giao hợp thì thường đã muộn. Khi đó, việc điều trị gặp nhiều khó khăn, kể cả phẫu thuật cắt tử cung hoàn toàn mở rộng và phối hợp hóa chất, tia xạ cũng không mang lại hiệu quả điều trị cao. Người bệnh gặp kết cục di căn nặng nề, đau đớn trước khi tử vong.

Tại sao cần sàng lọc, phát hiện ung thư sớm?

Vi rút gây u nhú (sùi mào gà) HPV (Human Papiloma virus) là nguyên nhân phổ biến nhất dẫn đến ung thư cổ tử cung. Có tới 95-97% phụ nữ bị ung thư cổ tử cung là do nhiễm HPV. Các yếu tố nguy cơ khác phải kể đến là: Quan hệ tình dục sớm, có nhiều bạn tình, viêm nhiễm kéo dài,…

Việc sàng lọc, phát hiện ung thư cổ tử cung ở giai đoạn đầu giúp tỷ lệ điều trị khỏi là 80 – 90%. Tỷ lệ chữa khỏi giảm còn 75% ở giai đoạn 2; 30 – 40% ở giai đoạn 3 và dưới 15% ở giai đoạn 4. Phụ nữ ở mọi lứa tuổi đều có nguy cơ bị ung thư cổ tử cung khi bắt đầu có quan hệ tình dục. Tuy nhiên, ở giai đoạn sớm thường không có triệu chứng nên chị em phụ nữ có thể chủ quan, không quan tâm đến bệnh.

Khi nào chị em phải sàng lọc ung thư cổ tử cung? 1Việc sàng lọc, phát hiện ung thư cổ tử cung ở giai đoạn đầu giúp tỷ lệ điều trị khỏi là 80 – 90%

Những tiến bộ trong phòng ngừa và điều trị ung thư cổ tử cung

Ung thư cổ tử cung có thể điều trị khỏi nếu được phát hiện sớm. Các kỹ thuật mới trong chẩn đoán viêm do HPV đã giúp xác định và phân loại những người có nguy cơ cao bị ung thư cổ tử cung để theo dõi sát sao.

Ngoài ra, xét nghiệm phết mỏng tế bào (ThinPrep test) có độ chính xác cao trong phát hiện các tổn thương tiền ung thư hơn các phương pháp cổ điển. Việc phối hợp hai xét nghiệm trên giúp bác sĩ có kế hoạch theo dõi tốt, giảm thiểu chi phí và thời gian thăm khám. Khi đó, thay vì đi khám hàng năm, chị em có thể chỉ cần làm sàng lọc 2-3 näm/lần.

Ngoài khám sàng lọc, chị em có thể tiêm vắc xin phòng HPV ngừa ung thư cổ tử cung. Tuy nhiên, vắc xin này chỉ có hiệu lực bảo vệ từ 4- 6 năm và không ngăn ngừa được tất cả các chủng virus HPV gây ung thư nên ngay cả khi đã tiêm phòng, chị em vẫn cần đi khám sàng lọc.

Khi nào chị em phải sàng lọc ung thư cổ tử cung? 2Ngoài khám sàng lọc, chị em có thể tiêm vắc xin phòng HPV ngừa ung thư cổ tử cung.

Khi nào nên khám sàng lọc?

Tất cả phụ nữ đã có quan hệ tình dục ở độ tuổi 30 – 49 nên làm xét nghiệm sàng lọc sớm ung thư cổ tử cung. Tuy nhiên, bạn cũng có thể làm xét nghiệm sớm hơn nếu thấy biểu hiện bất thường.

Nên bắt đầu sàng lọc sau 2 năm kể từ khi có quan hệ tình dục và thời điểm tốt nhất để thực hiện khám sàng lọc là 2 tuần sau ngày đầu tiên của chu kỳ kinh nguyệt. Khoảng cách thời gian giữa các lần sàng lọc sẽ do bác sĩ tư vấn và tùy thuộc kết quả xét nghiệm.

Xét nghiệm tầm soát ung thư cổ tử cung được thực hiện như thế nào?

Sàng lọc ung thư cổ tử cung bao gồm xét nghiệm Pap (ThinPrep Pap hoặc Pap smear, tùy theo chỉ định của bác sĩ), và đối với một số phụ nữ, xét nghiệm virus HPV. Cả hai xét nghiệm đều sử dụng các tế bào lấy từ cổ tử cung. Quá trình sàng lọc rất đơn giản và nhanh chóng. Bạn nằm trên một cái ghế đặc biệt và một thiết bị gọi là mỏ vịt được sử dụng để mở âm đạo. Mỏ vịt giúp các bác sĩ có một cái nhìn rõ ràng về cổ tử cung và phần trên âm đạo.

Các bác sĩ sẽ sử dụng một bàn chải chuyên dụng hoặc các thiết bị khác để lấy mẫu xét nghiệm. Mẫu tế bào cổ tử cung này sẽ được bảo quản trong một ống chứa dung dịch đặc biệt và gửi đến phòng xét nghiệm.

Khi nào chị em phải sàng lọc ung thư cổ tử cung? 3Cả hai xét nghiệm đều sử dụng các tế bào lấy từ cổ tử cung và gửi đến phòng xét nghiệm.

Đối với xét nghiệm Pap (ThinPrep Pap hoặc Pap smear), mẫu sẽ được kiểm tra xem có sự hiện diện của tế bào bất thường nào không.

Đối với xét nghiệm HPV, mẫu sẽ được kiểm tra xem có sự hiện diện của 13-14 chủng HPV nguy cơ cao.

Khi nào nên ngừng sàng lọc ung thư cổ tử cung?

Phụ nữ nên ngừng sàng lọc ung thư cổ tử cung sau 65 tuổi nếu không có tiền sử tế bào cổ tử cung bất thường mức độ trung bình hoặc cao hay kết quả ác tính và bạn đã có ba kết quả xét nghiệm Pap âm tính liên tiếp hoặc hai kết quả xét nghiệm đồng âm tính liên tiếp trong vòng 10 năm qua, và kết quả gần đây nhất được thực hiện trong vòng 5 năm qua.

Thanh Hoa

Nguồn Tham khảo: Tổng hợp

 

Lưu ý:
Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *