Cách ăn dưa muối để tránh gây hại cho cơ thể
Dưa muối không chỉ giúp bảo quản thực phẩm lâu hơn mà nó đã trở thành một món ăn kèm quen thuộc trong các bữa cơm của người Việt, giải ngán cho những món ăn nhiều dầu mỡ. Ngoài việc kích thích vị giác của chúng ta bằng cái âm thanh rồm rộp và vị chua, mặn, ngọt xen lẫn mỗi khi đưa vào miệng thì dưa muối còn chứa nhiều dinh dưỡng tốt cho sức khỏe. Thế nhưng, nếu sử dụng loại thực phẩm này không tốt thì bạn sẽ có nguy cơ ngộ độc vì chúng đấy.
Giá trị dinh dưỡng của dưa cải muối
Bạn thích ăn dưa muối vì vị ngon của nó nhưng bạn có biết tác dụng của dưa muối cũng rất tốt cho hệ tiêu hóa của bạn?
Ngâm muối là một phương pháp lên men tự nhiên. Và dưa muối được tạo ra bởi quá trình lên men bằng muối. Chính vì được lên men chua nên nó chứa nhiều vi khuẩn có lợi. Khi chúng ta ăn dưa muối thì những lợi khuẩn này cũng đi theo vào đường tiêu hóa và bổ sung thêm probiotic cho đường ruột khỏe mạnh.
Bên cạnh đó, dưa muối cũng chứa nhiều chất dinh dưỡng khác. Trung bình cứ một bát dưa cải muối chứa 27 calo, 2g carb, 4g chất xơ, 1g protein. Dưa cải không chứa chất béo nhưng chúng giàu chất sắt, vitamin C, K, B6 cùng các khoáng chất cần thiết cho cơ thể.
Vitamin C và chất sắt có trong dưa muối giúp tăng cường sức đề kháng, tăng khả năng miễn dịch tốt hơn cho cơ thể. Chất xơ tạo cảm giác no lâu, hạn chế lượng thức ăn tiêu thụ của cơ thể trong ngày, giúp bạn duy trì cân nặng tối ưu.
Một điểm thú vị khác ở dưa muối chua chính là chúng có chứa chất chống oxy hóa. Các loại rau củ, trái cây đa phần đều chứa chất chống oxy hóa. Nhưng chất này rất nhạy cảm và dễ bị mất đi trong quá trình chế biến với nhiệt độ cao. Khi được chế biến thành dưa muối thì lại có thể giữ được chất chống oxy hóa trong rau củ, giúp giảm tổn thương ADN, ngăn chặn sự hình thành tăng trưởng tế bào tự do, từ đó giảm thiểu khả năng phát triển khối u trong cơ thể.
Ăn dưa muối thế nào để có lợi cho sức khỏe?
Mặc dù dưa muối mang lại một số lợi ích nhất định cho sức khỏe, và với vị ngon của nó thì khó ai cưỡng lại được. Nhưng nếu sử dụng không đúng cách thì dưa muối có thể trở thành nguy cơ gây hại cho sức khỏe của bạn. Hãy lưu ý một số điểm sau đây khi ăn dưa muối.
Không ăn dưa muối khi còn màu xanh, có vị cay hăng: Trong các loại rau xanh nói chung đều chứa muối nitrat. Khi muối dưa, lượng nitrat này bị vi khuẩn trong môi trường tác động tạo phản ứng oxy hóa chuyển thành nitrit. Khi chúng ta ăn vào, lượng axit trong dạ dày sẽ tạo điều kiện cho chất nitrit tác động đến axit amin trong món ăn như thịt, cá, tôm… tạo thành hợp chất nitrosamine- 1 – chất có khả năng gây ngộ độc hoặc ung thư.
Tuy nhiên, lượng nitrat trong dưa muối chỉ cao khi dưa muối còn xanh, muối xổi hoặc khi dưa bị quá chua, đổi màu thâm đen, nhớt, biến mùi… Vì vậy, chúng ta chỉ nên ăn dưa khi đã ngả sang màu vàng tươi, chua vừa, giòn và có mùi thơm.
Không ăn quá nhiều một lần hoặc ăn thường xuyên: Các chuyên gia khuyến cáo, mỗi ngày mỗi người chỉ nên ăn khoảng 50g dưa muối và ăn 2 – 3 lần trong tuần và chỉ nên ăn dặm cùng nhiều món ăn khác trong một bữa ăn. Không nên lấy dưa muối làm món ăn chính.
Người có tiền sử bệnh tim, tăng huyết áp, bệnh thận, viêm loét dạ dày không nên ăn: Lý do là vì lượng muối cao trong món ăn này có thể khiến bệnh nghiêm trọng hơn.
Đảm bảo vệ sinh khi sử dụng: Bạn nên dùng muỗng đũa sạch để gắp dưa, đậy kín lọ và nên bảo quản trong ngăn mát của tủ lạnh.
Trước khi ăn, bạn nên rửa dưa muối lại nhiều lần với nước sạch, vắt sạch dưa để giảm độ mặn và độ chua của dưa muối. Dưa muối còn thừa sau khi ăn không cho lại vào lọ vì dễ làm hỏng dưa có sẵn trong lọ.
Tự muối dưa tại nhà: Hiện nay chúng ta không có nhiều thời gian cho những công việc bếp núc, nhất là việc muối dưa cũng đòi hỏi nhiều công sức, nên chúng ta có xu hướng mua về ăn cho tiện lợi. Thế nhưng, việc muối dưa tại nhà sẽ giúp bạn kiểm soát được lượng muối thêm vào, đảm bảo được thực phẩm sạch, bảo vệ các sản phẩm an toàn trong tủ lạnh cũng như giữ nguyên hương vị dưa muối.
Thụy Anh
Nguồn tham khảo: Tổng hợp
Lưu ý:
Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể.