Làm sao khi trẻ bị hăm tã mãi không khỏi?
Dù cho bạn cố giữ vùng da quấn tã của bé sạch sẽ và thông thoáng nhất thì bé vẫn có thể bị hăm tã tấn công nếu da quá nhạy cảm hoặc bé mặc đồ hay ăn thực phẩm gây dị ứng. Một vài bé chẳng bao giờ bị hăm tã dù tã không được thay thường xuyên, một số trẻ bị hăm tã khi cảm lạnh hoặc nhiễm một loại virus nào đó.
Các triệu chứng khi trẻ bị hăm tã
-
Bé sẽ giật mình thường xuyên và đôi khi khóc thét lên nếu có biểu hiện hăm tã
Hăm tã là gì? Rất dễ dàng nhận biết hăm tã. Dưới đây là các triệu chứng chính:
-
Bé tỏ ra khó chịu, ngủ không thẳng giấc.
-
Phần da tiếp xúc với tã, bao gồm bộ phận sinh dục, các ngấn ở đùi và mông, nổi mẩn đỏ.
-
Phần da dị ứng có thể khô hoặc ướt.
-
Có thể xuất hiện những vết sưng hoặc mụn gây lở loét trên da
-
Vùng da bị tổn thương sẽ rất đau và làm bé không cảm thấy dễ chịu nhất là khi nước tiểu tiếp xúc vào. Bé sẽ giật mình thường xuyên và đôi khi khóc thét lên.
Để chữa trị hiệu quả và an toàn cho bé, cha mẹ cần tránh những sai lầm trong việc chăm sóc con bị hăm tã.
Sai lầm khiến trẻ bị hăm tã mãi không khỏi
Sai lầm 1: Sử dụng phấn rôm hoặc tinh bột ngô để chữa hăm
Khi thấy trẻ có dấu hiệu hăm tã, nhiều bà mẹ vội vàng sử dụng phấn rôm hoặc bột ngô để cải thiện tình hình. Tuy nhiên, các bác sĩ khuyến cáo đây là việc làm không đúng.
Các loại phấn bột này sẽ kích thích làn da nhạy cảm của bé, làm chậm thêm quá trình chữa lành bệnh, thậm chí tạo điều kiện cho nấm men phát triển. Ngoài ra, chúng có thể xâm nhập vào phổi của bé, gây bệnh suyễn và khó thở.
Sai lầm 2: Sử dụng các loại kem có thể làm giảm phát ban ở trẻ bị hăm tã
Làn da của bé còn mỏng và nhạy cảm, trong khi các loại kem chứa nhiều hóa chất nguy hiểm như axit boric, camphor, salicylat metyl hay benzoin. Chúng có thể gây ngứa và làm trầm trọng hơn tình trạng viêm.
Sai lầm 3: Lau rửa thường xuyên bằng xà phòng thơm là cách điều trị hăm tã hiệu quả
Nhiều cha mẹ muốn giữ cho trẻ luôn thơm tho cả ngày nên họ thích sử dụng các loại sản phẩm mùi thơm lau rửa cho bé. Tuy nhiên, họ không biết rằng hương thơm từ các sản phẩm này có thể gây kích ứng da nhiều hơn, làm trầm trọng tình trạng hăm và khó điều trị.
Làm gì khi trẻ bị hăm tã?
Việc sử dụng tã giấy hoặc vệ sinh không đúng cách là những nguyên nhân gây ra tình trạng hăm tã ở trẻ. Dưới đây là những cách cơ bản để mẹ có thể tự điều trị dứt điểm tình trạng hăm tã cho trẻ tại nhà:
- Hãy giữ cho em bé luôn sạch sẽ, khô ráo bằng cách thay tã thường xuyên. Điều này có nghĩa là cha mẹ nên chú ý kiểm tra tã của trẻ để thay ngay cả là ban đêm
- Hãy vệ sinh, rửa sạch kỹ càng cho trẻ mỗi lần thay tã. Cha mẹ có thể dùng bông gòn hoặc khăn bông mềm để lau khô cho trẻ. Với những trẻ bị hăm tã thường xuyên, mẹ tuyệt đối không chà xát để tránh gây tổn thương cho vùng da của trẻ
- Sử dụng thuốc mỡ ngoài da để tạo thành 1 lớp màng bảo vệ cho da trẻ sau mỗi lần thay tã. Bằng cách này mẹ có thể giúp trẻ bảo vệ da bé kích ứng từ phân và nước tiểu
- Khi quấn tã cho bé, mẹ nên chú ý để tã của trẻ lỏng lẻo, sử dụng tã có lỗ thoáng sẽ làm cho không khí xung quanh vùng đóng tã lưu thông tốt hơn. Nếu bé mặc tã vải, không nên sử dụng thêm quần nilon hoặc miếng lót nilon gây bí hơi cho trẻ
- Khi thời tiết ấm áp, bạn có thể để bé chơi trong phòng thoáng mát và cùng với việc vệ sinh sạch sẽ, tạm thời không đóng tã và ngừng bôi thuốc mỡ càng lâu càng tốt vì khi tiếp xúc với không khí thoáng mát và sạch sẽ, tốc độ chữa hăm của bé sẽ nhanh hơn
- Mẹ hãy xem xét đến việc cho trẻ ngủ mà không cần dùng tã, chỉ cần lót bên dưới mông trẻ 1 tấm vải chống thấm, bảo vệ cho đệm là được. Như vậy ở bên dưới mông trẻ sẽ luôn được thông thoáng và việc hăm tã sẽ nhanh chóng bị đẩy lùi
- Trẻ bị hăm tã phải được thay tã thường xuyên, đặc biệt khi ướt hoặc bẩn.
- Sử dụng các sản phẩm có chứa dầu hoặc oxit kẽm, chúng có thể giảm ngứa và đỏ.
- Sử dụng dầu dừa: Đặc tính kháng khuẩn của dầu dừa làm dịu và chữa lành vết thương trên da bé. Bạn có thể bôi nhẹ dầu dừa lên vùng hăm nhiều lần trong ngày hoặc thêm vài thìa dầu dừa vào nước tắm để dưỡng ẩm.
- Với trẻ còn bú mẹ, sữa mẹ cũng là cách để chữa hăm tã, chống nhiễm trùng, đồng thời không gây dị ứng. Bạn chỉ cần chà một vài giọt sữa mẹ trên vùng da bị hăm thường xuyên và để da khô trong không khí trước khi cho bé mặc tã mới.
- Nếu trẻ bị hăm tã thường xuyên, hãy thay đổi loại tã mà bạn sử dụng.
Ánh Phạm
Lưu ý:
Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể.