Những biện pháp cơ bản giúp bạn có cổ họng khỏe mạnh
Các nhà khoa học đã chỉ ra một số phương pháp đơn giản giúp ngăn ngừa các bệnh lý ở cổ họng mà bạn không cần dùng đến thuốc kháng sinh trong tình hình dịch bệnh Covid-19 đang hoành hành.
Những biện pháp cơ bản giúp bạn có cổ họng khỏe mạnh
Khi cổ họng tiếp xúc với môi trường nhiều bụi bặm, uống nước quá lạnh thì vùng này sẽ dễ bị ngứa và khó chịu, nếu quá trình lâu dài có thể dẫn tới chứng viêm amidan và gây triệu chứng ho. Hậu quả chính là người bệnh phải uống kháng sinh để điều trị.
Chính vì thế, bạn hãy sẵn sàng bảo vệ cổ họng bằng một trong những cách đơn giản dưới đây:
Vệ sinh bàn chải trước khi dùng
Nguồn nhiễm vi khuẩn tiềm tàng đầu tiên chính là bàn chải đánh răng. Do để qua đêm trong môi trường ẩm thì tác nhân là bàn chải có thể trở thành nguồn lây nhiễm và tạo nên những vấn đề ở cổ họng, miệng.
Các nhà khoa học khuyến cáo, mỗi sáng trước khi chúng ta đánh răng thì hãy nhúng bàn chải vào một ly nước muối nóng để giúp tẩy sạch các loại vi khuẩn bám trên bàn chải.
Dùng thảo dược
Lá đinh hương: đây là chất khử trùng tự nhiên và rất có công dụng tốt trong việc chữa trị viêm họng. Bạn chỉ cần nhai một lá đinh hương vào mỗi buổi sáng là đã có thể bảo vệ cổ họng trước các loại vi khuẩn.
Còn nếu bạn không thích mùi vị của lá đinh hương thì có thể thay thế bằng cách nhai từ 5-6 lá húng quế. Bởi húng quế cũng được biết đến trong việc bảo vệ cổ họng có hiệu quả tuyệt vời.
Gừng: Một phương thuốc rất đơn giản đã được nhiều người áp dụng là trộn khoảng 3-4g nước ép củ gừng tươi với 5ml mật ong rồi uống vào mỗi buổi sáng, sau khi đã đánh răng.
Nghệ: Theo các nhà khoa học, nghệ có đặc tính chống dị ứng và bảo vệ cổ họng chống lại các nguồn lây bệnh do dị ứng. Để có hiệu quả tốt nhất, bạn hãy uống nửa tách nước ấm nóng hòa với 5g muối và một nhúm bột nghệ nhé. Bài thuốc này nên dùng vào buổi tối, đặc biệt trong những mùa dễ bị dị ứng để bảo vệ cổ họng.
Súc miệng với nước muối loãng
Tập thói quen súc miệng với nước muối ấm pha loãng vào mỗi tối, trước khi đi ngủ và sau khi đánh răng buổi sáng nhé. Thói quen này sẽ giúp tẩy sạch cổ họng và miệng bạn, đồng thời giúp bảo vệ cổ họng trước nguy cơ bị nhiễm khuẩn.
Tránh đồ lạnh, ăn đồ dễ tiêu
Khi có dấu hiệu đau họng, bạn nên ăn bổ sung các thực phẩm giàu vitamin C như: ổi, cam, chanh, bưởi, táo, dâu tây… và đồ ăn dễ tiêu như cháo, bún, phở để tăng sức đề kháng cho cơ thể, hỗ trợ các tổn thương vùng họng mau lành.
Đặc biệt, nên tránh ăn đồ khô cứng hay đồ uống lạnh, kem, rượu bia nhé. Bạn nên chủ động uống nhiều nước ấm để giảm bớt triệu chứng khô cũng như khó chịu ở cổ họng.
Nhai 1 miếng đường thốt nốt
Nhiều người thường gặp những vấn đề về cổ họng và ống cuống phổi do không khí ô nhiễm. Với trường hợp này, bạn chỉ cần nhai một miếng đường thốt nốt nhỏ cũng mang lại lợi ích đáng kể. Đường thốt nốt vừa giúp tẩy sạch bụi bặm, các chất kích thích khác trong cổ họng và trong các ống cuống phổi vừa làm dịu họng bạn.
Một số cách vệ sinh răng miệng để cổ họng mạnh khỏe
Song song với những biện pháp trên, bạn nên áp dụng các cách vệ sinh răng miệng sao cho khỏe mạnh như sau:
Sử dụng chỉ nha khoa
Khá nhiều người có thói quen xấu là dùng tăm xỉa răng. Nó sẽ gây tổn thương nướu và xương hàm, khiến răng bạn ngày càng thưa, lâu ngày thức ăn bám vào các khe bị hở và cũng chính là nguyên nhân của viêm nướu, hôi miệng…
Do đó, bạn hãy tập sử dụng chỉ nha khoa để loại bỏ thức ăn dính kẽ nhé. Chỉ nha khoa mềm, đủ nhỏ để không gây tổn thương đến nướu và xương răng.
Đánh răng thường xuyên ít nhất 2 lần/ ngày hoặc sau mỗi bữa ăn
Hãy đánh răng đều đặn ít nhất 2 lần 1 ngày hoặc sau mỗi bữa ăn để răng miệng luôn sạch nhé. Chú ý, lựa chọn bàn chải lông mềm, thay mới mỗi 3 tháng và đánh răng đúng cách để bảo vệ răng.
Vệ sinh lưỡi bằng dụng cụ chuyên dụng
Giống như hàm răng, lưỡi cũng là mục tiêu tấn công của vi khuẩn. Không vệ sinh lưỡi là nguyên nhân của chứng hôi miệng, mất vị giác, bệnh nha chu, nấm lưỡi…Dùng bàn chải hoặc dụng cụ chuyên dụng để vệ sinh lưỡi ít nhất mỗi ngày một lần hoặc sau bữa ăn.
Thăm khám răng miệng định kỳ 6 tháng/ lần
Chúng ta thường không quan tâm đến việc khám răng định kỳ mà chỉ đến khi đau nhức hoặc mẻ răng, lung lay,… thì mới tìm đến Bác sĩ nha khoa. Khám răng định kỳ giúp phát hiện và can thiệp kịp những bất thường ở răng miệng.
Ngoài ra, để vệ sinh răng miệng đạt hiệu quả, cần hạn chế ăn các thực phẩm nặng mùi như hành, tỏi; không sử dụng đồ ngọt trước khi đi ngủ; hạn chế rượu, bia, thuốc lá, cà phê. Chúc bạn có một hàm răng khỏe đẹp, hơi thở thơm tho.
Như vậy, cùng với các biện pháp phòng ngừa dịch Covid-19 đã được Bộ Y tế khuyến cáo, bạn nên tuân thủ các biện pháp giúp cổ họng khỏe mạnh như trên, nhất là việc súc họng với dung dịch sát khuẩn.
Thanh Hoa
Lưu ý:
Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể.