Xua tan ngày nắng bằng những mát lành của ‘nước’
Thiếu nước ảnh hưởng chuyển hóa dinh dưỡng
Nước chiếm hơn 2/3 trọng lượng cơ thể người và là môi trường sống cho tế bào, đồng thời là dung môi cho mọi hoạt động chuyển hóa chất dinh dưỡng, bài tiết chất độc hại trong cơ thể ra ngoài. Những ngày nắng nóng như hiện nay sẽ dễ khiến chúng ta mất nước và muối do đổ nhiều mồ hôi. Hơn nữa, việc dùng quạt, máy lạnh cũng khiến ta mất nước. Mất nước dẫn đến hệ quả tất yếu là ảnh hưởng chức năng tiêu hóa, điều nhiệt, bài tiết…
Nhất là với những người làm việc nặng hoặc làm việc ngoài trời nắng càng cần dùng nước nhiều hơn. Bởi lúc này, cơ thể cần nước để cân bằng nhiệt độ cơ thể. Hơn nữa nhiều nghiên cứu khoa học cũng đã chứng minh được rằng, trong cùng một điều kiện lao động như nhau và lượng mồ hôi thải ra cũng tương đương, nhóm người được uống nước đầy đủ, đúng cách sẽ khỏe mạnh hơn, năng suất lao động cao và trạng thái mệt mỏi đến chậm hơn.
Còn đối với nhóm chỉ được uống nước hạn chế và nhóm uống nước không đúng cách (uống liền một lúc nhiều nước, để khát lâu mới uống…) thì cảm giác mệt mỏi đến nhanh hơn, năng suất lao động giảm.
Việc cơ thể thiếu nước trong những ngày hè rất dễ xảy đến với tất cả mọi người, nhất là trẻ em. Đặc biệt khi thiếu nước cũng ảnh hưởng đến quá trình chuyển hóa dinh dưỡng trong cơ thể, đồng thời dễ dẫn đến những bệnh phổ biến như cảm, sốt…
BS CK1 Trần Thị Minh Nguyệt – viện trưởng Viện nghiên cứu dinh dưỡng NutiFood cho biết nhu cầu nước hằng ngày ở trẻ khác nhau theo độ tuổi, cân nặng: trẻ nhỏ dưới 10kg cần khoảng 100ml/kg cân nặng; trẻ trên 10 tuổi, lượng nước uống bằng người lớn, khoảng 1,5 – 2 lít/ngày. Trẻ cần uống đủ nước và nhiều hơn khi tập luyện vào ngày nắng nóng.
Uống nước đúng cách
Tưởng chừng việc uống nước nghe đâu cũng đơn giản, nhưng nếu thực hiện không đúng cách chính sức khỏe của bạn sẽ bị ảnh hưởng. Thế nên, vào những ngày hè mọi người cần lưu ý uống nước đúng cách để bảo vệ sức khỏe.
Những ngày thời tiết nóng bức, khi đi ra ngoài về, cơ thể chúng ta sẽ có cảm giác rất khát, nên tựu chung tâm lý là ai cũng muốn uống nhanh một cốc nước thật đầy. Tuy nhiên đây lại là cách uống nước gây nguy hiểm cho cơ thể, bởi việc uống nhiều nước trong một thời gian ngắn sẽ làm cho máu bị loãng, tăng gánh nặng cho tim. Đặc biệt hành động này cũng rất gây nguy hiểm với những người vừa chạy về hoặc làm việc nặng…
Hơn thế nữa, việc uống nhiều nước một lúc sẽ gây đổ mồ hôi liên tục, làm cơ thể thiếu các chất điện giải như kali, natri… không những không đỡ mà khiến giác khát lại càng tăng, chưa kể sẽ khiến bụng bị chướng và bị nấc cụt. Thế nên khi uống uống nước chúng ta cứ từ từ nhâm nhi từng ngụm nhỏ.
Những ngày trời nóng nhu cầu uống nước mát lạnh thậm chí là nước đá càng tăng cao. Tuy nhiên thói quen này là không nên, bởi không chỉ gây ra các bệnh về đường tiêu hóa (được làm từ nguồn nước không đảm bảo vệ sinh), mà còn gây ra các bệnh về đường hô hấp như viêm họng, viêm phổi… Bạn nên bổ sung cho cơ thể nước ấm, với mức nhiệt độ thích hợp nhất là 10 – 30 độ C.
Nước cất, nước khoáng, nước tinh khiết, nên dùng loại nào?
Nước cất, nước khoáng, nước tinh khiết dù có sự khác nhau nhưng về cơ bản thì nước vẫn cứ là nước. Thành phần hóa học của nước không thay đổi, nên dù là loại nào đi chăng nữa thì, bạn cũng sẽ tìm được loại tốt nhất cho cơ thể mình.
Nước cất, nước khoáng hay nước tinh khiết đều đi qua cơ thể, giúp thanh lọc các cơ quan và mạch máu, mang lại cho chúng ta cảm giác sảng khoái. Tuy nhiên hãy lưu ý rằng chỉ những người khỏe mạnh mới có thể uống tất cả các loại nước.
Bởi nếu dạ dày của bạn đang có vấn đề, hệ thống miễn dịch tổn thương hay bạn đang bị ốm, thì không nên uống nước khoáng và nước cất.
Còn nếu bạn đang có nhu cầu hoặc tình trạng sức khỏe đặc biệt, thì hãy xin tư vấn của bác sĩ để xem loại nước nào là tốt nhất cho mình. Chỉ cần lưu ý lựa chọn một loại sạch, thì chúng đã có cùng chức năng và đều giữ cho cơ thể khỏe mạnh rồi.
Thụy Anh
Lưu ý:
Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể.