Hướng dẫn mẹ phòng tiêu chảy ngày hè cho bé
Vào mùa hè, thời tiết nóng ẩm tạo điều kiện thuận lợi để các loại virus và vi khuẩn phát triển, xâm nhập vào cơ thể, góp phần khiến cho dịch bệnh này bùng phát mạnh mẽ. Bài viết sẽ hướng dẫn mẹ phòng tiêu chảy ngày hè cho bé nhé.
Các dấu hiệu, triệu chứng nhận biết con bị tiêu chảy
Bé bị tiêu chảy thường có những dấu hiệu sớm như con cảm thấy mệt mỏi, ăn kém, bỏ ăn, đầy bụng, nôn hoặc không chịu vui chơi.
Cùng với các triệu chứng trên, bé bị tiêu chảy đi ngoài sẽ dạng phân lỏng hoặc phân nước có máu nhiều lần trong ngày kèm các biểu hiện như sốt, chướng bụng và sắc da trở nên xám nhạt.
Ở thời điểm này, mẹ cần để ý sát sao các biểu hiện, triệu chứng để phát hiện kịp thời con có dấu hiệu mất nước để có biện pháp bổ sung kịp thời. Tình trạng mất nước khi bị tiêu chảy ở bé được phân theo 3 cấp độ khác nhau:
Mức độ A: Bé vẫn tỉnh táo và uống đủ nước, bú sữa bình thường. Da dẻ bé vẫn mịn màng, lưỡi ướt và khi khóc vẫn chảy nước mắt.
Mức độ B: Bé bắt đầu có dấu hiệu quấy khóc nhưng lại không ra nước mắt (hoặc có ít nước mắt). Bé cảm thấy khát nước, mẹ quan sát thấy lưỡi khô, mắt bé bắt đầu trũng và da nhăn
Mức độ C: Bé mệt lả và có thể ngủ li bì hoặc rơi vào tình trạng hôn mê, thậm chí là co giật. Ở giai đoạn này, bé không tự uống được nước, chân tay lạnh, lưỡi khô và da nhăn.
Xử trí kịp thời khi bé bị tiêu chảy cấp
Khi mẹ nhận thấy ở bé bắt đầu có các triệu chứng của bệnh tiêu chảy cấp, mẹ cần theo dõi sát sao các biểu hiện của bé. Với những bé bị mất nước ở mức độ nhẹ là mức A thì mẹ có thể cho bé điều trị tại nhà.
Tuy nhiên, từ cấp độ mất nước B trở lên, mẹ cần đưa bé đến ngay cơ sở y tế hoặc bệnh viện gần nhất để được tư vấn và điều trị kịp thời. Mẹ không nên để bé ở nhà và tự mua thuốc điều trị vì có thể gây nguy hiểm đến tính mạng và làm lây lan bệnh dịch sang cho gia đình và cộng đồng.
Bên cạnh đó, chế độ dinh dưỡng đóng một vai trò vô cùng quan trọng trong quá trình điều trị và hồi phục khi bé bị tiêu chảy:
Đối với bé vẫn còn bú mẹ, mẹ vẫn nên cho bé bú bình thường và có thể tăng số lần bú. Khi bé bị tiêu chảy, sữa mẹ là nguồn cung cấp dưỡng chất và năng lượng quý giá.
Đối với bé đã bắt đầu ăn dặm, mẹ nên cho bé ăn bột hoặc cháo loãng nấu với thịt lợn, thịt gà và dầu thực vật. Ngoài ra, mẹ nên cho bé ăn thêm quả chín hoặc nước hoa quả như chuối, cam, xoài… để bổ sung thêm Kali.
Hướng dẫn mẹ phòng tiêu chảy ngày hè cho bé
Tăng cường vệ sinh cá nhân cho bé sạch sẽ
Tạo cho con thói quen vệ sinh cá nhân và rửa tay hàng ngày bằng xà phòng diệt khuẩn và nước sạch, đặc biệt là trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh.
Đối với trẻ sơ sinh, mẹ cần đảm bảo tay và đồ chơi của bé luôn sạch, được tiệt trùng để đề phòng trường hợp bé đưa lên miệng ngậm, mút.
Không cho bé chơi dưới nền đất hay sàn nhà bẩn, không hợp vệ sinh.
Bảo đảm vệ sinh nhà cửa và môi trường xung quanh bé.
Bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm
Đồ ăn của con luôn cần được nấu chín. Mẹ nên sử dụng nguồn nước sạch, có bình lọc, tuyệt đối không cho bé uống nước lã.
Chọn mua thức ăn từ nguồn thực phẩm an toàn, có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng. Tuyệt đối không sử dụng thực phẩm quá hạn sử dụng.
Mẹ cần bảo quản tốt các thức ăn đã nấu chín hoặc thức ăn còn dư. Nếu thức ăn được sử dụng ngay sau khi chế biến, mẹ nên đậy lồng bàn và bảo quản thức ăn nơi thoáng mát. Nếu mẹ muốn bảo quản thức ăn để sử dụng sau vài tiếng hoặc 1 ngày, mẹ cần cho đồ ăn vào tủ lạnh với mức nhiệt độ cần thiết để tránh đồ ăn không bị ôi thiu.
Rửa tay bằng xà phòng trước khi chế biến thức ăn để đảm bảo không làm nhiễm mầm bệnh từ tay bẩn vào thức ăn.
Bảo đảm vệ sinh môi trường và nguồn nước
Nguồn nước ăn uống, sinh hoạt của các gia đình phải được bảo vệ sạch sẽ, có nắp đậy, không để nguồn bụi bẩn từ bên ngoài bay vào.
Mẹ cần kiểm tra chặt chẽ hệ thống đường ống dẫn nước máy, đảm bảo nồng độ Clo dư trong nước máy cuối nguồn (đến các hộ gia đình) đúng tiêu chuẩn quy định là 0,3- 0,5mg/lít.
Rác thải thực phẩm và sinh hoạt cần được xử lý ngay trong ngày.
Cách ly với nguồn bệnh
Nếu trong gia đình có người đang mắc bệnh tiêu chảy cấp, mẹ cần cách ly bé với người bệnh. Mẹ không nên cho bé tiếp xúc hay ăn chung với người đang bệnh để phòng tránh nguy cơ lây lan dịch bệnh sang bé.
Thanh Hoa
Lưu ý:
Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể.